Suy thận thường được báo trước với các dấu hiệu như: đau lưng, đi tiểu nhiều lần (đặc biệt là tiểu đêm), mệt mỏi, bọng mắt, sưng tay chân, khó thở,… Tuy nhiên, đa phần những dấu hiệu này đều bị chúng ta ngó lơ.
Tiểu tiện nhiều lần trong ngày, tiểu đêm nhiều, phù chân, ngứa… là những dấu hiệu thường gặp của bệnh suy thận
Chức năng của thận
Thận là một cơ quan trong hệ tiết niệu, là cơ quan bài tiết chính của hệ tiết niệu trong cơ thể. Vị trí của thận là nằm sát thành sau của bụng, ở hai bên cột sống gần cơ thắt lưng chính. Hai bên thận nằm ngang đốt ngực cuối cùng (T12) đến đốt thắt lưng L3 trong khung xương sườn. Thận phía bên phải nằm hơi thấp hơn so với thận ở bên trái khoảng 1 đốt sống.
Thận có hình hạt đậu màu nâu nhạt, mặt trước nhẵn bóng còn mặt sau sần sùi, có một bờ lồi, một bờ lõm. Mỗi quả thận có kích thước chiều dài khoảng 10 – 12.5 cm, rộng 5–6 cm, dày 3–4 cm và nặng khoảng 170g.
Mỗi quả thận của người được cấu tạo từ 1,2 triệu đơn vị thận (nephron).
Chức năng chính của thận là lọc máu và các chất thải. Thận sẽ lọc các chất thải chỉ giữa lại protein và các tế bào máu. Các chất thải được tiết ra, vào dịch lọc để hình thành nước tiểu.
Suy thận là gì ?
Suy thận là trạng thái suy giảm chức năng của thận, chủ yếu là chức năng bài tiết chất thải của cơ thể sau quá trình chuyển hóa, ngoài ra, đối với nhiều trường hợp suy thận, đặc biệt là suy thận mạn, các chức năng khác của thận bị suy giảm nghiêm trọng như điều hòa dịch, điện giải, toan kiềm, kích thích tạo máu, tổng hợp vitamin D,…
Các dấu hiệu cảnh báo suy thận
Cuộc sống bận rộn khiến chúng ta nhiều khi quên đi việc lắng nghe hoặc bỏ qua những tín hiệu cầu cứu của cơ thể. Tuy nhiên, nếu bạn có nhiều hơn 5 trong 10 dấu hiệu dưới đây, bạn hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa sớm nhất có thể.
1. Đau lưng
Suy thận có thể dẫn đến đau lưng vùng ngay dưới lồng xương sườn. Trong nhiều trường hợp, vùng bị đau có thể lan ra phía trước của háng hoặc hông.
2. Tiểu tiện bất thường
Thận chịu trách nhiệm sản xuất nước tiểu và loại bỏ chất thải thông qua nó. Vì vậy bạn không nên bỏ qua những thay đổi về tần suất, mùi, màu sắc và sự xuất hiện của nước tiểu. Các loại thay đổi phổ biến bao gồm:
- Tăng nhu cầu đi tiểu, đặc biệt là vào ban đêm. Với người bình thường tần suất tiểu 4 – 10 lần một ngày được coi là hợp lý.
- Thấy máu trong nước tiểu. Thận khỏe mạnh lọc chất thải từ máu để tạo ra nước tiểu, nhưng nếu bộ lọc bị hỏng, các tế bào máu có thể bị đẩy ra ngoài cơ thể.
- Có nước tiểu có bọt. Bong bóng trong nước tiểu đặc biệt là những bong bóng đòi hỏi bạn phải xả nhiều lần cho đến khi chúng biến mất cho thấy lượng protein không mong muốn có trong nước tiểu.
3. Khó thở
Mối liên quan giữa bệnh thận và khó thở được gây ra bởi hai yếu tố. Đầu tiên, chất lỏng dư thừa trong cơ thể di chuyển vào phổi khi thận hoạt động kém. Thứ hai, thiếu máu làm mất oxy của cơ thể và điều này dẫn đến triệu chứng khó thở.
4. Huyết áp cao
Hệ thống tuần hoàn máu và hoạt động của thận liên quan mật thiết đến nhau. Đơn vị thận lọc chất thải và chất lỏng bổ sung từ máu nên nếu các mạch máu bị tổn thương, đơn vị thận sẽ không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng. Đó là lý do tại sao huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu thứ hai gây suy thận.
5. Khó ngủ
Khi thận của bạn suy yếu, điều đó có nghĩa là độc tố không thể thoát ra khỏi cơ thể qua nước tiểu và tồn tại trong máu. Mức độ độc tố tăng lên khiến bạn khó ngủ, giấc ngủ không sâu, điều này kéo dài lâu sẽ làm tăng nguy cơ suy giảm chức năng thận.
6. Bọng mắt
Một dấu hiệu sớm cho thấy hệ thống lọc của thận bị tổn thương là sự xuất hiện của protein trong nước tiểu, có thể dẫn đến bọng mắt lớn hơn bình thường. Điều này được giải thích do thận của bạn đang rò rỉ một lượng lớn protein vào nước tiểu thay vì giữ nó và phân phối nó khắp cơ thể.
7. Nhức đầu, mệt mỏi
Thận khỏe mạnh và hoạt động đúng sẽ chuyển hóa vitamin D trong cơ thể để duy trì xương chắc khỏe và tạo ra hormone đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các tế bào hồng cầu. Khi thận không không khỏe rất dễ khiến suy giảm của các tế bào hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển oxy , làm cơ bắp và não bộ của bạn mệt mỏi nhanh chóng.
8. Da khô và ngứa
Thận khỏe thực hiện công việc to lớn bằng cách loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa từ máu, giúp tạo ra các tế bào hồng cầu và duy trì lượng khoáng chất thích hợp trong cơ thể bạn. Da ngứa và khô báo hiệu sự thất bại của thận trong việc duy trì sự cân bằng các khoáng chất và chất dinh dưỡng có thể dẫn đến bệnh xương và thận.
9. Sưng ở mắt cá chân, bàn chân và bàn tay
Khi suy thận sẽ dẫn đến việc giữ natri gây sưng ở mắt cá chân, bàn chân và bàn tay của bạn. Ngoài ra, sưng phần dưới của cơ thể cũng có thể báo hiệu bệnh tim và gan hoặc các vấn đề về tĩnh mạch chân.
10. Cảm thấy mùi hôi miệng và vị kim loại
Khi chất thải tích tụ trong máu, nó sẽ thay đổi mùi vị thức ăn và để lại mùi vị kim loại trong miệng của bạn. Hôi miệng là một dấu hiệu khác của việc có quá nhiều độc tố và ô nhiễm trong máu. Hơn nữa, bạn có thể mất cảm giác thèm ăn với các món yêu thích trước đây, điều này có thể dẫn đến cân nặng sụt giảm không kiểm soát.
Nguồn: An An (Dịch theo Bright Side)