Câu hỏi: Tôi nghe nhiều người nói về thuốc An cung ngưu hoàng để điều trị các bệnh về huyết áp, tim mạch và đột quỵ… nhưng cũng có nhiều thông tin cho rằng tác dụng của An cung ngưu hoàng chưa được kiểm chứng rõ ràng. Mong quý báo có thông tin chính thức về An cung ngưu hoàng để người bệnh không bị tiền mất tật mang.
An cung ngưu hoàng được bán nhiều trên thị trường
Trả lời:
An cung ngưu hoàng hoàn là phương thuốc do danh y Ngô Đường, tự Cúc Thông, người đời Thanh (Trung Quốc), đại biểu trọng yếu của học phái ôn bệnh, sáng chế, được ghi trong sách “Ôn bệnh điều biện” nổi tiếng của ông. Thành phần An cung ngưu hoàng gồm có: Ngưu hoàng 1 lạng, uất kim 1 lạng, tê giác 1 lạng, hoàng cầm 1 lạng, hoàng liên 1 lạng, hùng hoàng 1 lạng, sơn chi 1 lạng, chu sa 1 lạng, mai phiến 2 tiền 5 phân, xạ hương 2 tiền 5 phân, trân châu 5 tiền. Tất cả tán bột thật mịn, dùng mật làm hoàn, mỗi hoàn 1 tiền, lấy vàng lá làm áo, bao sáp. Hiện nay vì tê giác rất hiếm nên được thay bằng thủy ngưu giác (sừng trâu nước).
Ngưu hoàng là gì?
Theo truyền thuyết, ngưu hoàng là một loại sỏi kết thành trong mật một con bò cái bị ốm. Khi bị đau liên miên vì viên sỏi, con bò trở nên gầy mòn, ăn ít cỏ và cần uống nhiều nước. Nó yếu đến nỗi không đi nổi và mắt chuyển sang màu đỏ. Cuối cùng con bò chết. Một lần tình cờ, danh y Cúc Thông dùng ngưu hoàng cấp cứu cho một trường hợp đột quỵ (thay vì dùng thạch môn thạch) và kết quả thành công mỹ mãn. Cúc Thông cho rằng “do ngưu hoàng được ngâm trong túi mật con bò một thời gian dài, vì vậy tính hàn của nó có thể thấu tới tim, gan của người bệnh. Nó có thể lọc tim, thông các mạch, điều hòa gan và chữa liệt”. Ngưu hoàng nổi tiếng là vì vậy. Vị thuốc này thường được tính theo giá cuộc đời một con bò, vì thế rất đắt.
Xạ hương là gì?
Xạ hương chính là bộ phận dùng chủ yếu của con cầy hương đực. Dược liệu chứa chất thơm là muskon, chất nhựa, chất béo, chất nhầy, protein, cholesterin, calci và muối kali. Đó là một nguyên liệu quý để chế hương liệu sản xuất nước hoa, xà phòng thơm. Trong y học cổ truyền, xạ hương có vị cay, tính ấm, mùi thơm mạnh, có tác dụng khai khiếu, trấn tâm, chống độc, tiêu viêm, giảm đau, thông kinh, chữa trúng phong, mê sảng, co giật, mụn nhọt lở loét, thủy thũng, thấp nhiệt, nội thương tích tụ.
Sừng tê giác có tác dụng gì?
Sừng tê giác, theo y học cổ truyền, sừng tê giác có vị đắng, mặn, tính lạnh, không độc vào ba kinh tâm, can, vị thuộc nhóm thuốc thanh nhiệt giải độc, an thần giảm đau, được sử dụng trong gần 70 bài thuốc cổ, dùng để trị các chứng viêm nhiệt; các trường hợp sốt cao, vật vã, mê sảng, co giật, phát cuồng, cầm máu… Tuy nhiên hiện nay đào đâu ra sừng tê giác nên các nhà bào chế sử dụng sừng trâu nước thay thế, họ nói rằng tác dụng cũng vậy.
Theo Đông y, Ngưu hoàng, tê giác và xạ hương có công dụng thanh tâm tả hỏa giải độc, dục đàm khai khiếu, tức phong định kính, là quân dược; hoàng cầm, hoàng liên, sơn chi thanh nhiệt tả hỏa giải độc; uất kim tán tà hỏa; mai phiến phương hương khứ uế, thông khai bế; chu sa, trân châu và vàng lá trấn tâm an thần; mật ong hòa vị điều trung.
Tác dụng dược lý của An cung ngưu hoàng là gì?
Tác dụng trấn tĩnh và chống co giật: Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, An cung ngưu hoàng khi cho chuột uống hoặc tiêm vào trong ổ bụng đều làm cho chúng giảm thiểu hoạt động tự chủ, xuất hiện hiện tượng yên tĩnh, làm tăng tác dụng ức chế hệ thống thần kinh trung ương và kéo dài thời gian gây ngủ của phenobarbital và pentothal. An cung ngưu hoàng còn chống tác dụng hưng phấn và gây co giật của amphetamin và làm giảm thấp tỷ lệ tử vong do thuốc này gây nên.
Tác dụng hồi tỉnh: Khi tiêm vào ổ bụng của chuột bạch 0,8 – 1ml thanh khai chú xạ dịch, một chế phẩm của An cung ngưu hoàng, liên tục trong 5 ngày, nhận thấy hoạt tính của acetylcholin esterase trong nhân lục (locus cerulerus) gia tăng, chứng tỏ hoạt tính của acetylcholin trong nhân lục có thể kích phát hoạt tính của catecholamine trong các neuron, làm hồi phục công năng hướng tâm của cấu trúc lưới trong chất não, từ đó đạt được tác dụng hồi tỉnh. Nghiên cứu thực nghiệm cũng đã chứng minh tác dụng bảo vệ tế bào gan khỏi sự tác động bất lợi của carbon tetrachloride, làm hồi tỉnh hôn mê gan do nhiễm độc.
Tác dụng giải nhiệt: Kết quả nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh An cung ngưu hoàng có tác dụng làm hạ thấp thân nhiệt của thỏ được gây sốt bằng độc tố của vi khuẩn, tác dụng kéo dài từ 5 – 6 giờ, so với nhóm chứng có sự khác biệt rõ rệt. Nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh tác dụng giải nhiệt của An cung ngưu hoàng trong các trường hợp sốt do tiêm vắc-xin tam liên, thông thường sau khi tiêm vắc-xin chừng 60 phút thân nhiệt tăng cao, dùng An cung ngưu hoàng có thể làm cho thân nhiệt giảm rất nhanh.
Tác dụng chống viêm tiêu thũng: Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cũng đã chứng minh tác dụng rõ rệt của An cung ngưu hoàng đối với tình trạng viêm khớp ở chuột. Trên mô hình gây viêm tai chuột bằng dinathylbenzene, An cung ngưu hoàng tỏ ra có tác dụng ức chế rõ rệt quá trình viêm. An cung ngưu hoàng còn có tác dụng kích thích khả năng thực bào của đại thực bào, làm tăng chỉ số và tỷ lệ % thực bào, làm cho đại thực bào to ra và gia tăng số lượng các túi thực bào.
Tác dụng đối với hệ tim mạch: Kết quả nghiên cứu cho thấy, An cung ngưu hoàng có tác dụng làm hạ huyết áp trên động vật thí nghiệm từ 5,4 – 7,5 kPa. Trên tim thỏ cô lập, An cung ngưu hoàng có khả năng ức chế sức co bóp cơ tim và làm giảm tần số tim. Trên chó gây mê, An cung ngưu hoàng làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp nhưng lưu lượng động mạch vành và sức bóp cơ tim lại gia tăng. Chứng tỏ thuốc có khả năng cải thiện công năng tim. Ngoài ra, An cung ngưu hoàng còn có tác dụng làm giảm lượng oxy tiêu thụ cơ tim, kéo dài thời gian sống của động vật thí nghiệm trong điều kiện thiếu oxy.
Cần cẩn trọng khi sử dụng An cung ngưu hoàng
Có thể thấy, An cung ngưu hoàng là một trong những loại thuốc rất quý của Y học cổ truyền. Tuy nhiên, khi sử dụng sản phẩm này cần hết sức lưu ý mấy điểm như sau:
– Đây là một loại thuốc “bệnh” của Đông y có sức công phá mãnh liệt, chứ hoàn toàn không phải là loại dược phẩm có công dụng “bồi bổ” như nhiều người lầm tưởng. Vậy nên, khi dùng nhất thiết phải được các thầy thuốc chuyên khoa thăm khám, chỉ định và hướng dẫn tỉ mỉ, tuyệt đối không được tự ý sử dụng.
– Trên thị trường hiện nay, có khá nhiều loại An cung ngưu hoàng khác nhau, nguồn gốc phức tạp, thật – giả lẫn lộn và giá cả cũng hết sức đa dạng, thậm chí có nơi bán “chui” với giá cực đắt! Tình trạng mua phải của “rởm” để rồi lâm vào tình trạng “tiền mất tật mang” không phải là hiếm. Vậy nên, khi có nhu cầu sử dụng, người tiêu dùng nên mua An cung ngưu hoàng ở những cơ sở kinh doanh có đủ giấy tờ và tư cách pháp nhân.
– Vì tê giác hiện tại hết sức quý hiếm và đã được đưa vào sách đỏ cấm săn bắt và tàng trữ nên trong thành phần An cung ngưu hoàng người ta thường dùng sừng trâu nước (thủy ngưu giác) để thay thế với liều lượng cao hơn. Điều này không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của thuốc, vì vậy người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng và đừng vì những lời dẫn dụ như “sản phẩm của chúng tôi được bào chế từ tê giác xịn” mà tốn tiền một cách vô ích.
Trên thị trường, ngoài An cung ngưu hoàng của Trung Quốc còn có cả An cung ngưu hoàng hoàn của Hàn Quốc, giá rẻ hơn một chút. Hiện cả 2 loại An cung ngưu hoàng này đểu chưa có cơ quan khoa học nào kiểm định tác dụng thật. Bà con mình mua theo những lời đồn đại, rỉ tai nhau là chủ yếu.
Các bệnh về tim mạch, huyết áp, đột quỵ… là những bệnh nguy hiểm, việc sử dụng An cung ngưu hoàng gia đình nên tham khảo ý kiến bác sĩ y học cổ truyền ở cơ sở uy tín rồi hãy sử dụng để tránh tiền mất tật mang. Hơn nữa thị trường thuốc đông dược của ta đúng nghĩa là trôi nổi thực hư lẫn lộn nên không thể đưa ra lời khuyên khẳng định được.
Y Dược 365 (TH)