Chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý rất quan trọng đối với người bị bệnh đau dạ dày (đau bao tử) trong việc hạn chế khởi phát các cơn đau và hỗ trợ điều trị bệnh. Chế độ ăn uống phù hợp có thể làm các ổ loét ở bao tử không tăng thêm và mau lành.
Các loại gia vị cay nóng, có tính kích thích như hành, tỏi, ớt, tiêu… thường làm tăng sự bài tiết axít của dạ dày gây ra các cơn đau.
Dù viêm loét nhưng dạ dày vẫn phải co bóp liên tục để tiêu hóa thức ăn, vì vậy ổ loét vẫn phải chà xát vào thức ăn nên rất khó lành. Nếu ta ăn thức ăn có tính axít, tính kích thích tăng yếu tố tấn công thì ổ loét bị ảnh hưởng và gây đau nhiều lên. Do đó vấn đề đặt ra là phải ăn uống như thế nào cho khỏi loét tăng và mau lành. Muốn vậy bạn nên thực hiện việc ăn uống như sau:
– Khi ăn, không nên ăn quá no vì sẽ làm dạ dày phồng căng, sinh ra nhiều axít có hại, dễ gây đau.
– Cần ăn nhiều bữa (4-6 bữa nhỏ), khoảng cách giữa các bữa đều nhau, nên ăn đúng giờ; ăn kỹ, nhai chậm để hàm răng nhai kỹ thức ăn, bớt gánh nặng cho dạ dày.
– Bữa ăn tối nên cách giờ đi ngủ ít nhất 3 tiếng để không làm tăng lượng axít trong dạ dày.
– Các loại thức ăn nên dùng là: sữa, trứng vừa giàu chất dinh dưỡng vừa trung hòa lượng axít dạ dày; thực phẩm có tính bao bọc niêm mạc dạ dày như gạo nếp, bột sắn, bánh mỳ…
– Thức ăn nên nghiền nát hoặc chế biến dạng lỏng để giảm số lần co bóp, chà sát dạ dày.
– Các loại thức ăn phải kiêng cữ là các loại có vị chua như dưa muối, cà muối, mẻ, trái cây chua như me, khế, chanh, sấu…; các loại gia vị cay nóng, có tính kích thích như hành, tỏi, ớt, tiêu…; nước chấm quá mặn như mắm, tương, chao… thường làm tăng sự bài tiết axít của dạ dày gây ra các cơn đau.
– Thức uống nên tránh là rượu, nước chè, cà phê, nước có gas… Đặc biệt phải bỏ thuốc lào, thuốc lá.