Để điều trị hội chứng bàng quang tăng hoạt, tùy vào tình trạng bệnh mà người bệnh có thể sử dụng các biện pháp điều trị không dùng thuốc như tập luyện phản xạ đi tiểu, tập bài tập cơ sàn chậu,… hoặc sử dụng các biện pháp điều trị bằng thuốc và can thiệp (phẫu thuật).
Tùy theo mức độ bệnh, để điều trị hội chứng bàng quang tăng, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thay đổi thói quen sinh hoạt, sử dụng thuốc hoặc điều trị can thiệp.
1. Các biện pháp không dùng thuốc
– Điều chỉnh lượng chất lỏng tiêu thụ: Điều chỉnh số lượng và thời gian tiêu thụ chất lỏng.
– Đi tiểu kép: Những người còn số lượng nước tiểu tồn dư đáng kể cần tập đi tiểu kép, nghĩa là sau khi đi tiểu, chờ một vài phút và sau đó thử lại và dùng tay ép vào bụng phía trên xương mu ở tư thế ngồi (tư thế có súng) để làm trống bàng quang hoàn toàn.
– Tập đi vệ sinh theo lịch trình: cần có một kế hoạch đi tiểu mỗi 2 – 4 giờ hơn là khi cảm thấy mót đi tiểu.
– Tập luyện phản xạ đi tiểu: Bắt đầu tập nhịn thời gian rất ngắn rồi tăng dần, chẳng hạn như 10 phút, và dần dần tập đi tiểu mỗi 3 – 5 giờ.
– Tập bài tập cơ sàn chậu: Bài tập Kegel tăng cường các cơ sàn chậu và cơ thắt niệu đạo rất quan trọng để giữ nước tiểu ngay cả khi bàng quang và cơ thắt mất tương hợp. Bài tập giúp tăng cường sức mạnh các cơ sàn chậu có thể giúp ngăn chặn các cơn co thắt không tự chủ của bàng quang. Có thể phải mất sáu đến tám tuần trước khi nhận thấy sự khác biệt trong các triệu chứng. (Xin xem hướng dẫn bài tập trong bài “Bài tập phục hồi chức năng cơ đáy chậu” trong mục Phục hồi chức năng của trang web này: http://hahoangkiem.com/phuc-hoi-chuc-nang/bai-tap-phuc-hoi-chuc-nang-co-day-chau-285.html).
– Đặt thông bàng quang ngắt quãng: Có thể đặt thông bàng quang định kỳ để tháo nước tiểu trong trường hợp bí tiểu.
2. Biện pháp điều trị dùng thuốc
– Thuốc thư giãn bàng quang: có thể có hiệu lực làm giảm các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt và làm giảm triệu chứng tiểu không kiểm soát. Các thuốc này bao gồm tolterodine (Detrol), oxybutynin (Ditropan), oxybutynin và (Oxytrol), trospium (Sanctura), solifenacin (Vesicare) và darifenacin (Enablex). Những thuốc này thường được sử dụng kết hợp với các biện pháp không dùng thuốc. Tác dụng phụ thường gặp của các thuốc này bao gồm khô mắt và khô miệng, nhưng uống nước để để làm giảm khô miệng có thể làm nặng thêm các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt.
– Tiêm Botulinum toxin A vào thành bàng quang: Thuốc này là một protein chiết xuất từ độc tố của vi khuẩn độc thịt. Với liều lượng nhỏ trực tiếp tiêm vào thành bàng quang, thuốc làm liệt cơ bàng quang có hồi phục và duy trì tác dụng trong 4 – 6 tháng. Tuy nhiên botulinum toxin A có thể gây một số nguy cơ xấu cho bàng quang ở người lớn tuổi và những người đã bị suy yếu do vấn đề sức khỏe khác.
3. Các biện pháp can thiệp
Phẫu thuật để điều trị bàng quang tăng hoạt được dành cho những người có triệu chứng nặng, những người không đáp ứng với điều trị khác. Mục đích là để cải thiện khả năng lưu trữ của bàng quang và làm giảm áp lực trong bàng quang. Tuy nhiên, các thủ tục này sẽ không giúp giảm đau bàng quang. Các biện pháp can thiệp bao gồm:
– Phẫu thuật để tăng sức chứa của bàng quang: Sử dụng đoạn ruột của bệnh nhân để thay thế một phần của bàng quang. Nếu sử dụng phẫu thuật này có thể cần phải sử dụng một ống thông bàng quang liên tục để làm trống bàng quang trong suốt cuộc đời còn lại. Đây là một phẫu thuật lớn có thể có những tác dụng phụ nghiêm trọng, phẫu thuật này chỉ dành cho những người có bàng quang tăng hoạt nghiêm trọng không cải thiện được mặc dù đã sử dụng các phương pháp điều trị khác.
– Loại bỏ bàng quang: Phẫu thuật này được sử dụng như một phương cách cuối cùng và liên quan đến việc loại bỏ bàng quang và đính kèm một bao thu thập nước tiểu.
Nguồn: theo PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103
4 Comments
Huyền
E hay đi vệ sinh nhiều cứ uống nước là tầm nữa tiếng buồn đi mà đi hok nhiều dậy là bị gì ạ
Dr. R
Bạn nên sớm đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác. Bên cạnh việc hỏi về tình trạng bệnh, bệnh sử, bác sĩ có thể sẽ chỉ định bạn siêu âm bụng tổng quát, chụp X-Quang bàng quang, xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu. Chúc bạn nhiều sức khỏe.
Quân
Cháu 2 năm nay bị đi tiểu nhiều.khám ở nhiều nơi kết quả vẫn là bình thường.bs có thể cho cháu xin số đt để cháu liên lạc bác tư vấn cho cháu chút đcko ạ! Cảm ơn bs.
Dr. R
Bạn vui lòng gửi số điện thoại của bạn vào email [email protected] để bác sĩ có thể liên hệ với bạn.