Nếu ngón tay bạn bị trắng bệch, đau buốt, ngứa rát, tê bì, thậm chí là tím tái khi gặp thời tiết lạnh hoặc khi tiếp xúc nước lạnh, hóa chất… thì rất có thể bạn đang mắc chứng Raynaud.
Ngón tay bị chuyển mầu trắng bệch và tím tái ở người mắc hội chứng Raynaud
Việc đầu ngón tay bị đau nhức, tê buốt có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Tuy nhiên, nếu bạn có các biểu hiện bệnh sau đây thì có thể nghĩ ngay tơi hội chứng Raynaud. Các biểu hiện cụ thể:
- Ngón tay mất màu khi lạnh (chuyển sang trắng bệch, sau đó xanh nhạt rồi tím đỏ).
- Đau đớn, ngứa và tê ở vùng da mất màu.
- Bị sưng, nóng hay nhói đau khi vùng da chuyển tím hay đỏ.
- Da ở ngón tay, ngón chân, mũi và tai dễ bị ảnh hưởng hơn.
Hội chứng Raynaud là gì?
Hội chứng Raynaud (phiên âm: /ˈreɪ.noʊz/ – đọc là: rây-nô) được đặt theo tên của một bác sĩ người pháp Maurice Raynaud (1834 – 1881), là người đầu tiên phát hiện bệnh này vào năm 1862.
Hội chứng Raynaud là một vấn đề về lưu thông máu. Cơ thể không vận chuyển đủ máu đến các chi (ngón tay, ngón chân, tai và đầu mũi), vì vậy chúng cảm thấy lạnh và tê bì. Phần lớn, tình trạng này kéo dài trong thời gian ngắn khi cơ thể bạn phản ứng quá mức với nhiệt độ lạnh. Da ở các vị trí trên sẽ trở nên trắng, chuyển xanh, sau đó tím đi và kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh sẽ bắt đầu bị nhức và nổi nhọt. Nếu tuần hoàn máu quá thấp trong thời gian dài, chỗ da đó có nguy cơ bị hoại tử vĩnh viễn.
Hội chứng Raynaud xảy ra ở mọi độ tuổi, nhưng đa số bệnh nhân mắc hội chứng Raynaud có tuổi từ 20 tới 40 tuổi và là phụ nữ. Bệnh thường xảy ra ở những vùng có khí hậu lạnh.
Nguyên nhân gây ra hội chứng Raynaud
- Hội chứng Raynaud được chia làm hai dạng: Hội chứng Raynaud nguyên phát và thứ phát.
- Ở hội chứng Raynaud nguyên phát, nguyên nhân vẫn chưa được xác định rõ. Tuy vậy, các bác sĩ cho rằng nhiệt độ lạnh và áp lực tinh thần là nhân tố chính khiến bạn bị hội chứng Raynaud.
- Ở hội chứng Raynaud thứ phát, nguyên nhân là do các bệnh lý tiềm ẩn, tình trạng sức khỏe và một số yếu tố khác như:
- Bệnh xơ cứng bì; Bệnh lupus; Viêm khớp dạng thấp; Xơ vữa động mạch; Các tình trạng rối loạn máu như cryoglobulinemia và đa hồng cầu; Hội chứng Sjogren; Viêm bì cơ và viêm đa cơ; Bệnh Buerger.
- Các hành động lặp đi lặp lại nhiều lần làm tổn thương động mạch máu và dây thần kinh điều khiển động mạch ở bàn tay và chân như: đánh máy, chơi piano…
- Chấn thương ở tay hoặc chân do tai nạn, phẫu thuật, tê cóng…
- Phơi nhiễm một số chất hóa học như: chất vanyl cloric dùng trong ngành công nghiệp nhựa, chất nicotine trong thuốc lá…
- Sử dụng thuốc đau đầu chứa ergotamine, thuốc điều trị ung thư như cisplatin và vinblastine, một số loại thuốc cảm, dị ứng, hỗ trợ ăn kiêng, thuốc chẹn beta và thuốc tránh thai…
Điều trị hội chứng Raynaud như thế nào?
Cách tốt nhất để điều trị hội chứng này là kết hợp điều trị và phòng ngừa. Cụ thể, bạn phải:
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là tay, chân, tai và mũi.
- Những người làm việc ngoài trời hay có công việc thường xuyên tiếp xúc trong môi trường lạnh buốt nên cố gắng thay đổi hay tìm công việc khác.
- Nếu áp lực tinh thần là nguyên nhân gây bệnh, bạn cần thư giãn và cố gắng để tinh thần thoải mái.
- Đối với trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc chặn kênh canxi như amlodipine để cải thiện lưu lượng máu. Nếu những loại thuốc này không hiệu quả và những triệu chứng chuyển biến nặng, phẫu thuật thần kinh giao cảm sẽ được bác sĩ đề nghị cho bạn. Thủ thuật này sẽ cắt bỏ dây thần kinh điều khiển đã khiến mạch máu co lại làm giảm lưu lượng máu. Phần lớn mọi người đều trở lại bình thường sau điều trị.
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của hội chứng Raynaud
- Giữ cơ thể ấm, mặc nhiều lớp áo, mang găng tay dày có ngón, đội nón và khăng quấn cổ và luôn mang theo áo len vào mùa lạnh.
- Dùng găng tay để lấy vật dụng ra khỏi tủ lạnh và tủ đông, và làm ấm phòng tắm bằng hơi nước nóng trước khi tắm.
Ngưng hút thuốc. Hút thuốc lá ảnh hưởng rất xấu đến tuần hoàn máu trong cơ thể. - Kiểm tra ngón tay, ngón chân, mũi và tay mỗi ngày xem có bị nhức hay nổi nhọt hay không.
Lời kết
Ngứa, đau buốt các ngón tay khi trời lạnh có thể có nguyên nhân là hội chứng Raynaud, nhưng cũng có thể là do các bệnh lý khác. Để biết chính xác nguyên nhân bệnh, bạn nên tới các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán.
Những thông tin được cung cấp trên đây không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nguồn: Y Dược 365 (TH)
2 Comments
Thùy Linh
Cám ơn Y Dược 365.
Hồng Nhung
Cám ơn Y Dược 365. Bây giờ em đã hiểu về bệnh của mình