Say xe là tình trạng thường gặp ở nhiều người, đây là một phản ứng bình thường trước những kích thích xảy ra khi đi tàu xe, mà bản thân không thích nghi được. Người say xe thường chóng mặt, choáng váng, đứng không vững, mệt mỏi, buồn nôn… Những người ít đi xe, trẻ em từ 2-12 tuổi, phụ nữ là những đối tượng dễ bị say xe.
Nguyên nhân của say xe
Nguyên nhân của chứng say xe là do bộ phận nhạy cảm giữ thăng bằng trong tai bị kích thích khác thường, hoặc do não bộ nhận tín hiệu từ mắt nhưng không đồng nhất với tín hiệu từ tai (thí du đi tầu mà không có cửa sổ: tai cho biết đang di chuyển, trong khi mắt thì cho cảm giác là không di chuyển). Đôi khi say chỉ là do tâm lý, nếu ai đó nghĩ rằng mình dễ bị say xe thì họ có nguy cơ mắc phải hiện tượng này cao hơn người khác.
Triệu chứng của say xe
Đây là một dạng chóng mặt mà những triệu chứng tự động đóng vai trò chủ đạo, các triệu chứng gồm: buồn nôn, nôn oí, tái mặt, đổ mồ hôi, nhiều nước bọt, ngáp, khó chịu, thở sâu và mạnh.
Phòng chống say xe
– Trước và trong khi đi không nên ăn quá nhiều đồ ăn, nhất là đồ dầu mỡ, nhiều chất béo, đặc biệt, phải tránh xa bia rượu… uống các loại nước có ga vì chúng dễ gây cảm giác buồn nôn. Tuy nhiên, bạn cũng không nên khởi hành khi đói. Các chuyên gia khuyến cáo nên ăn nhẹ, sử dụng các loại bánh quy khô, bánh mỳ để hút dịch dạ dày.
– Nên nhai một nhánh gừng hoặc ngậm kẹo gừng, bởi chúng có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, giảm sự hoạt động của Histamine dẫn đến giảm co thắt cơ trơn, giảm dị ứng với các protein lạ, chống say xe.
– Nếu bạn là người dễ say xe, hãy đề nghị với các bác tài cho mình ngồi phía trên, gần cửa thông gió. Ở trong xe nhìn ra ngoài, bạn luôn có cảm giác cảnh vật hai bên đường chạy giật lùi về phía sau. Càng nhìn vuông góc với xe thì tốc độ chạy giật lùi đó càng nhanh, bạn dễ bị chóng mặt hơn. Bởi vậy, hãy nhìn thẳng về phía trước.
– Ngồi trong xe mấy tiếng đồng hồ thật buồn chán, chi bằng mang theo quyển sách để đọc lúc rảnh rỗi. Ý tưởng đó chắc chỉ xuất hiện ở những người lần đầu tiên đi xa. Đọc sách trên xe khiến tầm nhìn của bạn cố định, trong khi tai và cơ thể lại thu được tín hiệu chuyển động, bởi thế bạn sẽ chóng mặt.
– Nghe nhạc hoặc nói chuyện với mọi người xung quanh sẽ giúp bạn phân tâm, quên đi cảm giác say và mệt mỏi.
– Giải pháp dùng bông bịt tai, đáp khăn lạnh lên trán và chìm vào giấc ngủ sẽ làm hành trình ngắn lại và là cách giữ sức tốt nhất.
– Uống thuốc chống nôn, chống say xe trước khi lên xe chừng 30 phút, ví dụ nhưVomina 50 hay Cinnarizine chẳng hạn. Thành phần thuốc chống nôn thường có hoạt chất Dimenhydrat, cộng thêm một số tá dược như microcrystalline cllullo, hay ethyl celulose… với chất đối kháng thụ thể histamin H, có tác dụng làm dịu và chống nôn, chóng mặt.
– Dán miếng dán ở tai: miếng dán có chứa các hạt chất dẻo nhỏ tạo áp lực bên trong cổ tay vàcó khảnăng phong ngừa tình trạng say xe. Bạn cũng có thể tự tạo ra áp lực giữa hai đường gân cách khoảng 3 cm từ khớp cổ tay. Hiện nay có cả loại cao chống say xe Kimite bé xíu dán vào sau tai rất tiện.
– Dán Salonpas vào rốn, ngậm một miếng gừng, rồi chịu khó co giò lại, hai tay ômđầu gối. Salonpas dán vào rốn để bụng không bị lạnh. Miếng gừng làm ổn định dạ dày của bạn. Cuối cùng, bạn co chân lại, lấy tay ôm đầu gối đơn giản là để phần đầu của bạn không di chuyển lung tung, bởi vì với những người say xe, phần đầu càng di chuyển thì càng dễ gây xáo trộn cảm giác và dẫn đến say xe nhanh hơn.
– Ngoài ra, trước khi lên xe khoảng 1 tiếng, bạn hãy lấy 1 quả quýt bóc vỏ, gấp đôi vỏ quýt, đặt vào giữa hai lỗ mũi và lấy tay nặn cho bắn ra những tinh dầu có kèm theo mùi thơm, có thể hít 10 lần như vậy. Trong khi ngồi trên xe cũng có thể làm như thế bất cứ lúc nào.
Các thuốc chống say tàu xe
Các thuốc chống nôn dùng dự phòng có tác dụng tốt hơn là để chữa khi đã buồn nôn và nôn. Thuốc chính là các chất kháng muscarin hyoscin và một số kháng histamin tác dụng lên thần kinh trung ương.
– Để dự phòng ngắn hạn việc say tàu xe, thuốc được chọn là hyoscine hydrobromid dùng đường uống, dùng thuốc 30 phút trước khi di chuyển, sau đó 6 giờ lại dùng thuốc lần 2 nếu cần. Hoặc tiêm dưới da hyosin dưới dạng thuốc giải phóng chậm sẽ kéo dài được thời gian tác dụng, nhưng phải tiêm vài giờ trước khi di chuyển.
– Các thuốc kháng histamin có hiệu quả kém hyoscin đôi chút trong việc chống say tàu xe, nhưng dung nạp tốt hơn, thông thường dùng theo đường uống. Các kháng histamin thường dùng gồm có: cinnarizin, cyclizin, dimenhydrinat, meclozin, promethazin. Các thuốc này có tác dụng giống nhau, nhưng thời gian bắt đầu tác dụng và tác dụng bao lâu thì khác nhau.
– Các thuốc có tác dụng chống nôn nhưng không tác dụng trong say tầu xe: Các thuốc này gồm các chất đối kháng dopamin như domperidon, metoclopramid và chlorpromazin, và các chất đối kháng thụ thể 5-HT3 như ondansetron.
Và cuối cùng, nên tự chuẩn bị những túi đựng nhỏ trong trường hợp khẩn cấp để bạn có thể kịp thời lấy sử dụng trước khi nôn ra xe.
Nguồn: Y Dược 365 (TH)