Nhân sâm là một vị thuốc quý. Tuy nhiên, nếu dùng không đúng cách, nhân sâm sẽ trở nên vô tác dụng, hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, thậm chí đe dọa tính mạng.
Từ ngàn xưa, nhân sâm đã được phong danh là thần dược, đứng đầu trong các vị thuốc đông y: sâm, nhung, quế, phụ… có thể trị được bá bệnh. Sâm ở đây được hiểu là nhân sâm. Trên thị trường có rất nhiều dược liệu mang tên sâm cũng có thể có củ giống hình người như nhân sâm nhưng tính chất dược lý không giống hoặc chỉ giống một phần. Nhân sâm có tên khoa học là (Panax ginseng C. A. Mey.), họ nhân sâm (Araliaceae), họ (ngũ gia bì). Trên thực tế do cách chế biến khác nhau, người ta có được các sản phẩm chế của nhân sâm khác nhau, như hồng sâm, bạch sâm, đại lực sâm…
Nhân sâm được Đông y ghi vào loại “thượng phẩm”, được ghi vào đầu vị của dòng “bổ khí” với những công năng tuyệt vời: đại bổ nguyên khí, ích huyết, sinh tân, định thần, ích trí…
Ngày nay, các công trình nghiên cứu khoa học cho thấy tính chất dược lý của sâm rất đa dạng như:
– Gia tăng sự hồi phục các chức năng của cơ thể, được xem là loại thuốc bổ toàn diện.
– Tác dụng chống lão hóa tế bào, thúc đẩy quá trình sinh tổng hợp protein của tế bào mới. Do đó, người xưa cho rằng sâm là vị thuốc “cải lão hoàn đồng”.
– Kích thích cơ chế miễn dịch của cơ thể, giúp chống lại bệnh nhiễm trùng, là phương thuốc phòng bệnh.
Sử dụng nhân sâm
– Nhân sâm đứng đầu trong các vị thuốc bổ nhưng vẫn là thuốc, nên không phải muốn dùng thế nào cũng được và không phải ai cũng dùng được, bởi thể trạng, bệnh tình khác nhau. Việc dùng tùy tiện có thể biến bệnh nhẹ thành nặng, nặng thành nặng hơn.
– Việc dùng nước nhân sâm thay cho nước uống, hay ăn nhân sâm như ăn kẹo là rất nguy hiểm, nhất là với người cao tuổi, bị xơ cứng động mạch… bởi trong nhân sâm có chứa chất chống phân giải chất béo, sẽ làm tăng lượng mỡ trong máu.
– Nhân sâm làm tăng cường hoạt động của hệ tuần hoàn và hô hấp, tăng hưng phấn thần kinh, tăng sức lực, tăng khả năng lao động… Cho nên, chỉ sử dụng vào buổi sáng hoặc chiều, không sử dụng vào buổi tối, để cơ thể được nghỉ ngơi tốt hơn.
– Nhân sâm được coi như là một thứ thuốc giúp con người thích ứng với hoàn cảnh, giúp cơ thể con người thích ứng với những kích động, kích thích, với những biến động, với stress. Sâm điều hòa tuyến nang thượng thận, tuyến giáp trạng và tuyến não thùy. Sâm vì thế làm gia tăng biến dưỡng, làm điều hòa huyết áp và lượng đường trong máu. Vì thế, người ta hay đổ sâm vào miệng những người hấp hối để làm tăng áp huyết và lượng đường cho người bệnh hồi tỉnh.
– Nhân sâm được dùng để bổ khí, đặc biệt cho các trường hợp chân khí suy giảm, người mệt mỏi, vô lực, mới ốm dậy, trẻ em chậm lớn; Tăng cường sinh lý, tăng khả năng hồi phục cho mọi hoạt động cơ thể; Chống và giảm căng thẳng của hoạt động thần kinh, nâng cao sức bền trong hoạt động thể thao; Cải thiện hoạt động tuần hoàn khí huyết, điều hòa ổn định hệ tim mạch, nhất là các triệu chứng tim hồi hộp, loạn nhịp. Có lợi cho các trường hợp ho lao, viêm phế quản mạn tính, tiểu đường. Làm tăng sức đề kháng và tăng khả năng miễn dịch, giúp cho chế độ làm việc dẻo dai hơn, tạo điều kiện để tăng năng suất lao động. Làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể, giúp cơ thể vượt qua những thay đổi khắc nghiệt của môi trường. Hỗ trợ tích cực trong phòng và trị bệnh ung thư.
– Cũng có thể sử dụng dưới dạng rượu sâm (40g sâm, thái lát mỏng ngâm trong 1 lít rượu trắng 30-35 độ trong 3 – 4 tuần là có thể dùng được. Tiếp tục ngâm lần 2 với 0,5 lít rượu trong 2-3 tuần lễ nữa). Ngày có thể dùng 2 – 3 lần, mỗi lần 30 -50ml. Uống trước các bữa ăn, hoặc vào các buổi tối. Với trẻ em gầy còm chậm lớn, yếu mệt, biếng ăn, có thể dùng với lượng nhỏ hơn, 2 – 4 g/ngày, dưới dạng thuốc hãm.
Lưu ý khi sử dụng nhân sâm
– Khi nói về nhân sâm đã có một lời khuyên mang tính kinh điển: “Phúc thống phục nhân sâm tắc tử”. Vốn là, khi xưa đã có một thầy thuốc, sau khi cho một bệnh nhân uống nhân sâm, người bệnh này đã bị tử vong. Vấn đề là ở chỗ người thầy thuốc này lại cứ cho rằng, ông ta không hề có một sai sót gì cả! Vì trước đó, ông đã từng đọc rất kỹ sách đã chỉ rõ: “Phúc thống phục nhân sâm…”, tức là “đau bụng uống nhân sâm…”. Đáng tiếc là, người thầy thuốc này đã chưa đọc hết hai chữ nữa ở trang sau: “tắc tử”, nghĩa là “ sẽ chết”.
– Ngày nay, trên thực tế, nhiều người bị “đau bụng” do viêm gan, viêm dạ dày, viêm ruột co thắt, táo bón… vẫn dùng nhân sâm mà vẫn khỏe mạnh. Rõ ràng ở đây có sự hiểu khác nhau về khái niệm “phúc thống”. Qua kinh nghiệm thực tế, khái niệm “phúc thống” trong trường hợp chết người này là chỉ các triệu chứng đau bụng thuộc “thể hàn”, đau bụng “tiết tả”, tức đau bụng ỉa chảy, đầy bụng, trướng bụng…, nếu dùng nhân sâm sẽ nguy hiểm đến tính mạng, ngoài ra, những người cao huyết áp cũng không nên dùng nhân sâm; những người hay mất ngủ tránh dùng sâm vào buổi chiều và buổi tối.
– Núm rễ của củ sâm (còn gọi là lô sâm). Để giữ được các hoạt chất khi chế biến và để tạo dáng cho nhân sâm (giống như cái đầu người), người ta đã giữ nó lại. Lô sâm, không có tác dụng bổ mà còn gây ra cảm giác buồn nôn. Do đó cần cắt bỏ đi, trước khi sử dụng.
– Dùng nhân sâm không đúng cách sẽ vô tác dụng, thậm chí không tốt cho cơ thể. Bạn cần lưu ý khi dùng nhân sâm là không được dùng đồ kim loại để nấu (kim loại hòa tan với nhân sâm thành một loại độc dược, hoặc triệt tiêu chất bổ của nhân sâm).
– Không uống trà chung với nhân sâm vì trà sẽ vô hiệu hoá bổ dưỡng của nhân sâm (nếu muốn có thể uống 2 thứ cách nhau 2-3 giờ). Không nên cho nhân sâm là thuốc bổ mà dùng quá nhiều.
– Người bị thường phong, cảm mạo, phát sốt, viêm dạ dày, viêm ruột cấp tính, nôn mửa, đau bụng, đi ngoài, viêm loét dạ dày cấp tính, xuất huyết… không nên dùng nhân sâm vì ảnh hưởng đến hiệu quả trị liệu, kéo dài và làm nặng bệnh tình.
– Ở những người đang chảy máu, nếu dùng nhân sâm có nguy cơ tăng chảy máu, kích thích tim làm tăng huyết áp. Chính vì vậy, thế giới chống chỉ định dùng nhân sâm đối với những người cao huyết áp.
– Những người bị bệnh gan mật cấp tính, giãn phế quản, bị lao, ho ra máu cũng không nên uống vì sâm có thể làm bệnh tình trầm trọng thêm. Những người cao huyết áp với các chứng: Đầu váng mắt mờ, mắt đỏ tai ù, nôn nóng hấp tấp, cuống cuồng, dễ nổi nóng, mạch huyền, đó là can dương lên cao, can hoả viêm tấy lên. Nhân sâm có thể làm nặng thêm triệu chứng can dương can hoả, người cao huyết áp nói chung không nên uống.
– Thanh niên hay bị di tinh, bị xuất tinh sớm cũng không nên dùng vì sẽ nặng thêm. Những người có bệnh về hệ thống miễn dịch như: Ban đỏ, mụn nhọt, viêm khớp loại phong thấp, bệnh da cứng không nên dùng.
– Phụ nữ ở thời kỳ mang thai cũng không dùng vì sẽ rất bất lợi cho thai nhi, có thể dẫn tới khó sinh. Trẻ dưới 14 tuổi cũng không nên dùng vì nhân sâm có thể thúc đẩy sự phát dục – điều rất nên tránh đối với trẻ nhỏ. Những trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 năm càng cần kỵ uống nhân sâm. Thanh niên cũng không nên uống nó nếu không có chỉ định của bác sĩ Đông y.
– Các loại củ cải và hải sản đều tuyệt đối bị cấm sau khi uống hoặc ăn nhân sâm. Vì theo quan điểm đông y, củ cải và hải sản là đại hạ khí, còn nhân sâm là đại bổ khí, hai thứ triệt nhau.
Kết luận:
– Nhìn chung có rất nhiều vị thuốc mang tên sâm nhưng lại thuộc nhiều họ thực vật khác nhau, chỉ có loại thuộc giống thần thảo panax mới có dược tính được coi là tốt như nhân sâm. Ngay cả cùng một loại nhân sâm nhưng tính chất cũng thay đổi tùy theo vùng địa lý, điều kiện trồng trọt và thời gian gặt hái. Sâm trồng tại xứ Cao Ly (Triều Tiên) được đánh giá là tốt nhất. Vì thế, nhiều sản phẩm có sâm được phép lưu hành trên thị trường đều ghi rõ loại sâm và hàm lượng trong thành phần công thức. Còn các loại sâm trôi nổi trên thị trường, ngoài cảm quan “có mùi sâm” thì thật là khó để biết đó là loại sâm nào, bao nhiêu tuổi và hàm lượng tinh chất còn lại…
2 Comments
Dr. R
Đúng là không phải cái nào bổ là không có hại.
Viet Tran
Thong tin huu ich