THỤ TINH VÀ THỤ THAI – Thụ tinh là quá trình kết hợp, hoà hợp giữa tinh trùng và tế bào trứng để tạo thành hợp tử. Nói cách khác, thụ tinh là sự đồng hoá lẫn nhau của giao tử đực (n nhiễm sắc thể) và giao tử cái (n nhiễm sắc thể) để tạo thành hợp tử 2n nhiễm sắc thể. Quá trình này xảy ra khi tinh trùng và tế bào trứng gặp nhau ở vị trí 1/3 đầu trước của ống dẫn trứng với các điều kiện thuận lợi. Quá trình thụ tinh được xảy ra như sau:
Khi giao hợp có hàng trăm triệu tinh trùng được phóng vào âm đạo, nhưng chỉ có vài ngàn tinh trùng lên được vòi trứng và chỉ có vài trăm tinh trùng tiếp xúc được với tế bào trứng. Nhờ sự co bóp của tử cung và sự vận động của đuôi, tinh trùng di chuyển ngược lên tử cung, đến ống dẫn trứng. Sau khi rụng, trứng rơi vào phễu của ống dẫn trứng và di chuyển dọc theo ống dẫn trứng để xuống tử cung. Quá trình thụ tinh thường diễn ra ở 1/3 phía ngoài của ống dẫn trứng. Khi gặp trứng, đầu của tinh trùng tiết ra enzym hyaluronidaza, có tác dụng hòa tan và phân giải các tế bào hạt và màng sáng bao quanh trứng, tạo điều kiện cho tinh trùng xâm nhập vào trứng dễ dàng. Khi phần đầu của một tinh trùng đầu tiên đã chui qua màng của trứng thì màng trứng lập tức khép lại cắt đứt phần đuôi ở ngoài, đồng thời không cho tinh trùng khác có thể xâm nhập vào trứng nữa. Phần nhân của tinh trùng sẽ đi chuyển tiếp vào trong bào tương của trứng tiến về phía nhân của trứng. Do đó, duy nhất chỉ có một tinh trùng tham gia thụ tinh. Sau khi đã xâm nhập vào trong trứng, nhân của tinh trùng kết hợp với nhân của trứng tạo thành hợp tử. Chất lượng của tinh trùng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thụ tinh. (Xem hình Sự thụ tinh)
Trứng chỉ tồn tại trong ống dẫn trứng khoảng 24 – 72 giờ và khả năng thụ tinh cao nhất là 12 -24 giờ. Dịch âm đạo thường có độ axit cao (pH = 4) nên có thể giết chết tinh trùng sau 30 phút. Nhờ tinh dịch có tính kiềm (pH = 7 – 8) nên đã trung hòa một phần axit của âm đạo để bảo vệ tinh trùng. Chất nhầy trong âm đạo cũng có tác dụng làm giảm độ axit để bảo vệ tinh trùng. Các bạch cầu của biểu mô âm đạo cũng là mối đe dọa đối với tinh trùng vì chúng có thể thực bào đến hàng triệu tinh trùng. Dịch tử cung có tính kiềm nhẹ lại giàu chất dinh dưỡng nên khi tinh trùng đã lọt được vào trong tử cung thì có khả năng sống và thụ tinh sau 2 – 3 ngày.
Sự thụ tinh có thể không xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như không có đủ số lượng tinh trùng cần thiết trong tinh dịch, tỷ lệ tinh trùng dị dạng quá cao, tinh dich được phóng vào âm đạo quá sớm so với thời gian rụng trứng, tinh trùng gặp trứng quá muộn sau khi rụng đã mất khả năng thụ tinh, rối loạn nội tiết, buồng trứng bị màng nhầy bao bọc, do dị tật bộ máy sinh dục như lệch tử cung, tắc ống dẫn trứng… Những nguyên nhân này cần được phát hiện và chữa kịp thời để đề phòng vô sinh sau này.
Cặp nhiễm sắc thể giới tính của nam là XY nên nam giới có thể sản sinh hai loại tinh trùng: một loại mang nhiễm sắc thể giới tính X và một loại mang nhiễm sắc thể giới tính Y. Cặp nhiễm sắc thể giới tính của nữ là XX nên nữ giới chỉ có thể sản sinh một loại trứng mang nhiễm sắc thể giới tính X. Do đó tùy thuộc vào loại tinh trùng mang nhiễm sắc thể giới tính X hay Y tham gia thụ tinh mà đứa con sinh ra sẽ là gái nếu có cặp nhiễm sắc thể XX , hoặc là trai nếu có nhiễm sắc thể XY. Như vậy việc sinh con trai hay con gái là do tinh trùng của người bố quyết định. Tuy nhiên môi trường axit của âm đạo cũng có ảnh hưởng đến sự tồn tại và hoạt động của tinh trùng mang nhiễm sắc thể giới tính khác nhau, do đó ảnh hưởng đến việc sinh con trai hay con gái.
Sự hình thành và phát triển của thai
Sau khi thụ tinh, khoảng 30 giờ, hợp tử bắt đầu phân bào, đồng thời di chuyển xuống tử cung nhờ sự chuyển động của các nhung mao và sự nhu động của ống dẫn trứng. Thời gian di chuyển trong vòi trứng và tồn tại trong dịch tử cung trước khi làm tổ ở thành tử cung là 7 ngày. Lúc hợp tử xuống đến tử cung đã có dạng phôi dâu và có khoảng 32 – 64 tế bào. Phôi bám vào lớp nội mạc tử cung và làm tổ ở đó, rồi phát triển và lớn dần lên. Đó là sự thụ thai. Hai tuần đầu phôi phát triển nhờ vào chất dinh dưỡng lấy từ niêm dịch tử cung. Sau đó thai phát ra những lông hút ăn sâu vào thành tử cung để để hấp thụ chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ. Phần mang lông hút không tham gia vào việc xây dựng thai mà phát triển thành nhau thai. Nhau thai bắt đầu cung cấp một ít chất dinh dưỡng và O2 ngay từ tuần đầu. Từ tuần thứ 8 trở đi, nhau thai hoàn toàn đảm nhiệm chức năng cung cấp dinh dưỡng cho phôi. Nhau thai cung cấp O2, chất dinh dưỡng cho thai và thải các sản phẩm trao đổi chất của thai vào cơ thể mẹ nhờ cơ chế thấm lọc qua màng ngăn giữa mạch máu của mẹ và mạch máu của con. Qua nhau thai, các chất miễn dịch từ mẹ khuếch tán sang con cho nên ở trẻ mới sinh, trong những tháng đầu tiên ít mắc bệnh truyền nhiễm.
Nhau thai phát triển rất nhanh, đến cuối tháng thứ 3 đã chiếm gần một nửa trong tử cung và trước khi sinh, nhau thai chiếm 1/3 tử cung, có đường kính 15 -2 0 cm, dày 2 – 3 cm, nặng khoảng 500 gam, với diện tích bề mặt gần 5 m2, đảm bảo sự trao đổi chất cho thai nhi. Thai nhi nằm lơ lửng trong khối nước ối của xoang ối nên dược bảo vệ tốt, tránh bị va chạm mạnh, tránh bị khô và được cử động tự do.
Sau khi làm tổ trong tử cung, phôi tiếp tục phát triển. Cuối tháng thứ nhất bắt đầu phát sinh các cơ quan và đến cuối tháng thứ hai, mầm mống của tất cả các cơ quan đã được biệt hóa xong. Lúc này thai đã giống hình người, cơ quan sinh dục ngoài đã phát triển khá rõ và giới tính của thai đã hoàn toàn phân biệt rõ. Thai 3 tháng, các cơ quan bắt đầu hoạt động và xuất hiện các phản xạ co cơ, hô hấp… Thai 4 tháng, phần lớn xương đã được hình thành, hệ tiêu hóa bắt đầu hoạt động, lông tơ xuất hiện và đến tháng thứ 7 chúng phủ đầy thân. Từ 5 tháng trở đi, tốc độ của thai tăng trưởng chậm lại. Tinh hoàn lúc đầu nằm trong xoang bụng, đến tháng thứ 7 bắt đầu tuột xuống và đến tháng thứ 8 thì rơi vào bìu. Các tế bào máu bắt đầu được hình thành trong tủy đỏ của xương, trong gan và tụy. Các cơ quan tiếp tục phát triển và hoàn thiện cho đến khi sinh.
Có trường hợp, hợp tử không di chuyển được xuống tử cung mà phát triển tại ống dẫn trứng làm cho hợp tử rơi vào ổ bụng và phát triển ở đó. Đó là hiện tượng chửa ngoài tử cung, nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ. Nguyên nhân thì có nhiều như nhiễm trùng cơ quan sinh dục, nghiện thuốc lá, lớn tuổi, thần kinh căng thẳng kéo dài và liên tục dẫn đến tắc nghẽn ống dẫn trứng… Vì vậy, khi có dấu hiệu thai nghén, phụ nữ cần đi khám thai sớm để phát hiện và điều trị những trường hợp chửa ngoài tử cung, tránh gây tai biến cho bà mẹ.
Theo chu kỳ tự nhiên, khoảng 4 tuần, 1 trong 2 buồng trứng sản sinh 1 trứng chín. Hạn hũu cũng có trường hợp có 2, 3 trứng cùng chín và cùng rụng. Nếu cùng được thụ tinh và phát triển tốt sẽ dẫn tới hiện tượng sinh đôi, sinh ba… , gọi là sinh đôi khác trứng và trẻ em sinh đôi có thể cùng giới tính hoặc có thể khác giới tính. Cũng có trường hợp, từ 1 hợp tử phát triển thành thai sinh đôi, sinh ba… gọi là sinh đôi cùng trứng và anh em sinh đôi bao giờ cũng cùng giới tính và rất giống nhau về các đặc điểm cấu tạo. Những thai sinh đôi có thể chung một nhau thai, cũng có thể khác nhau thai, thường thì cứ 87 ca sinh có một ca sinh đôi, 87 ca sinh đôi có một ca sinh ba và 87 ca sinh ba có một ca sinh tư… Vấn đề chửa đa thai có liên quan đến chủng tộc và tuổi của người mẹ. Tỷ lệ chửa đa thai cao nhất ở người da đen, tại khu vực Tây Phi, tỷ lệ đẻ sinh đôi là 5 %, cao nhất thế giới. Người da vàng có tỷ lệ sinh đôi thấp nhất, như ở Trung Quốc là 0,15%, Ở Nhật bản là 0,27%… Ở những người mẹ sinh con muộn, trên 35 tuổi, số ca sinh đôi thường có tỷ lệ cao hơn so với các bà mẹ sinh con trong độ tuổi 22 – 35.
Những biến đổi của người mẹ khi mang thai
Khi mang thai, cơ thể mẹ có hàng loạt những biến đổi quan trọng.
Ngoài các hocmon sinh dục vốn có như estrogen do buồng trứng tiết ra, progesteron do thể vàng tiết ra, nhau thai còn tiết một số hoocmon khác như HCG. HCG có tác dụng đảm bảo dinh dưỡng cho thể vàng, làm phát triển tuyến vú, tăng cường quá trình trao đổi chất, làm giảm quá trình sử dụng glucozơ ở mẹ để dành cho thai, kích thích giải phóng các axit béo từ mô mỡ của mẹ để cung cấp năng lượng cho hoạt động của mẹ và con. Ngoài ra một số hoocmon khác cũng được tăng cường bài tiết như tuyến yên, tuyến giáp, tuyến cận giáp và buồng trứng… để tăng cường bài tiết canxi từ xương mẹ cung cấp cho thai. Do đó trong thời kì có thai nếu không được cung cấp đủ canxi và khoáng chất sẽ làm cho thai chậm phát triển và có thể dẫn đến tình trạng loãng xương của mẹ.
Việc mang thai còn ảnh hưởng đến 1 số cấu trúc và chức năng của cơ thể mẹ: thành tử cung dày thêm và phát triển thành nhiều mao mạch. Tử cung của người mẹ cũng to dần lên làm thay đổi vị trí các cơ quan trong xoang bụng và làm cho bụng to dần lên. Sau 6 tháng, đáy tử cung đã ngang tới rốn, sau 8 tháng ngang mép dưới ngực. Sau 9 tháng, tử cung nặng gấp 24 lần so với ban đầu khi có thai, âm đạo to hơn và lỗ âm đạo mở rộng hơn. Trọng lượng cơ thể tăng nhanh và có thể bị phù. Do nhu cầu trao đổi chất tăng nhiều nên hoạt động của hệ tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, bài tiết đều tăng.
Thời gian mang thai thường được tính là “chín tháng mười ngày”, tức là 280 ngày. Nhưng thời gian mang thai có thể thay đổi, thậm chí thay đổi ngay ở một phụ nữ trong những lần mang thai khác nhau. Cho nên việc dự đoán ngày đẻ thường không hoàn toàn chính xác, đặc biệt là nếu không đi khám thai theo định kỳ. Vì vậy việc khám thai theo định kỳ là hết sức cần thiết và quan trọng để đề phòng những điều bất trắc