Thoái hóa khớp háng là một bệnh thường gặp ở những người trong độ tuổi trung niên và người cao tuổi. Thoái hóa khớp háng gây đau đớn, cản trở vận động, làm giảm sút chất lượng cuộc sống của người bệnh, nhưng nguy hiểm hơn, thoái hóa khớp háng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là bại liệt vĩnh viễn.
Hình ảnh minh họa khớp háng bình thường và khớp háng bị thoái hóa
Thoái hóa khớp háng là gì ?
Thoái hóa khớp là một loại tổn thương viêm khớp do tổn thương và mất sụn mặt khớp (tiếng Anh gọi là Osteoarthritis hay Degenerative arthritis). Sụn khớp là các cấu trúc che phủ bề mặt của xương, có tác dụng bảo vệ và đóng vai trò như miếng đệm giữa các xương.
Thoái hóa khớp còn gọi là viêm khớp thoái hóa là tổn thương thường gặp nhất trong hơn 100 loại tổn thương viêm khớp khác nhau. Thoái hóa khớp háng thường gặp ở những người trong độ tuổi trung niên và người cao tuổi. Người càng già, càng cao tuổi, xương khớp lão hóa nhanh thì khả năng mắc bệnh thoái hóa khớp háng càng cao.
Thoái hóa khớp háng gây đau và biến đổi cấu trúc của khớp. Nếu không được điều trị kịp thời, thoái hóa khớp háng sẽ dần dần dẫn đến tàn phế, bại liệt vĩnh viễn, điều này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Thoái hóa khớp háng có 2 loại là thoái hóa khớp háng nguyên phát và thoái hóa khớp háng thứ phát:
- Thoái hóa khớp háng nguyên phát là do quá trình thoái hóa tự nhiên của cơ thể.
- Thoái hóa khớp háng thứ phát là do các nguyên nhân bệnh lý hoặc do yếu tố bên ngoài tác động gây ra. Các nguyên nhân tiêu biểu như: Các bệnh viêm khớp dạng thấp, viêm đa khớp dạng thấp, chấn thương do tập thể thao chuyên nghiệp, chấn thương do tai nạn giao thông,…
Thoái hóa khớp háng có triệu chứng gì ?
Dưới đây là một số triệu chứng điển hình của bệnh thoái hóa khớp háng mà mọi người bệnh cần nắm được để từ đó có thể chủ động đến các cơ sở y tế kiểm tra khi cơ thể có xuất hiện các triệu chứng này:
- Triệu chứng đầu tiên đó chính là tình trạng đi lại khó khăn: Khớp háng là nơi chịu đựng toàn bộ trọng lực của cơ thể dồn lên, vì vậy tình trạng thoái hóa khớp háng sẽ gây ra hiện tượng đau nhức khó chịu mỗi khi bạn di chuyển. Nhiều người sẽ rơi vào tình trạng đi khập khiễng, đau tăng mỗi khi cử động mạnh.
- Triệu chứng thứ hai đó là tình trạng cứng khớp: Hiện tượng này xuất hiện vào buổi sáng khi vừa thức dậy. Bạn sẽ thấy tê đau vùng khớp háng, khó có thể cử động được ngay, khó có thể co duỗi phần đùi, háng. Bệnh càng nặng, cơn đau khớp háng vào buổi sáng càng dồn dập hơn. Người bệnh bị thoái hóa khớp háng sẽ thấy cơn đau vùng háng xuất hiện bất cứ khi nào, khi bạn dạng háng, cúi người, chuyển đổi tư thế, khi làm các động tác đòi hỏi lực nhiều ở chân, khi đi lại… đặc biệt khi nghỉ ngơi bệnh nhân sẽ thấy cơn đau này được giảm thiểu rõ rệt.
Thoái hóa khớp háng là căn bệnh có thể bắt gặp ở bất cứ ai, mọi lứa tuổi dù già hay trẻ. Để xác định được chính xác tình trạng bệnh người bệnh nên đến bệnh viện để kiểm tra bằng cách chụp Xquang và chụp cộng hưởng từ MRI. Trong đó phương pháp chụp MRI sẽ cho ra kết quả chuẩn xác nhất.
Thoái hóa khớp háng có nguy hiểm không?
- Hiện tại, căn bệnh thoái hóa khớp háng không có thuốc đặc trị, mọi phương pháp chỉ dừng lại ở mức độ điều trị triệu chứng mà thôi.
- Thoái hóa khớp háng nếu phát hiện sớm, điều trị sớm, sẽ giúp ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh, giảm triệu chứng đau nhức, phòng ngừa nguy cơ xấu nhất, nguy hiểm nhất do bệnh gây ra đó là bại liệt vĩnh viễn.
Cách phòng tránh bệnh thoái hóa khớp háng
Hãy bảo vệ cơ thể bằng cách phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này từ khi bệnh còn chưa tìm đến. Một vài lưu ý sau đây bạn cần biết và thực hiện theo:
- Trường hợp người bệnh bị chấn thương khớp háng hoặc dị tật bẩm sinh khu vực khớp háng, hãy đến bệnh viện để nghe lời tư vấn của bác sĩ càng sớm càng tốt nhằm hạn chế rủi ro, biến chứng do bệnh gây ra.
- Mọi người cần chú ý hạn chế làm các công việc nặng nhọc như khuân vác.
- Nên dành thời gian tập luyện các bài tập thể dục như yoga, dưỡng sinh, đi bộ, bơi lội nhằm làm mạnh xương khớp, ngăn ngừa các bệnh thoái hóa khớp xảy ra.
- Xây dựng thói quen ăn uống khoa học lành mạnh, bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi nhằm giúp xương khớp chắc khỏe hơn.
Lời kết
Trên đây là một số thông tin về bệnh thoái hóa khớp háng, nếu Quý bạn đọc còn thắc mắc gì về căn bệnh này, xin vui lòng gửi câu hỏi tới Y Dược 365 để được các chuyên gia tư vấn miễn phí.
Y Dược 365 hy vọng bài viết trên sẽ giúp Quý bạn đọc hiểu thêm về căn bệnh này để từ đó có biện pháp chủ động phòng ngừa hoặc phối hợp với bác sĩ để việc điều trị hiệu quả hơn.
Nguồn: Theo Bệnh Viện Thánh Mẫu