Vitamin B12 là một phân tử lớn chứa ở trung tâm một hạt nhân cobalt. Trong cơ thể, nó tồn tại dưới dạng bốn dẫn xuất mà người ta gọi là cobalamin và hoạt động như các yếu tố enzyme. B12 rất nhạy cảm với ánh sáng, và tương đối ổn định với nhiệt độ (cho đến 120 0C), bền vững với ôxy hóa. B12 ít tan trong rượu và dịch hữu cơ, nhưng dễ hòa tan trong nước. B12 sẽ mất hàm lượng trong thức ăn khi thức ăn được rửa và nấu trong nước.
Vai trò của Vitamine B12:
– Vitamin B12 tham gia vào chức năng của hệ thống thần kinh (trí nhớ, khả năng học…) và quá trình phát triển hài hòa ở trẻ em. Nó còn có tác dụng chống mệt mỏi và kích thích.
– Vitamin B12 tham gia phản ứng tổng hợp thymidylate, một thành phần trong phân tử ADN, cung cấp nguyên liệu để tổng hợp ADN, góp phần vào quá trình phân chia tế bào và trưởng thành tế bào trong cơ thể. Thiếu vitamin B12 gây ảnh hưởng rõ rệt lên những dòng tế bào có sự phân bào nhiều như các tế bào máu, tế bào biểu mô (nhất là ở niêm mạc đường tiêu hóa). Vitamin B tan trong nước, cần thiết cho quá trình trao đổi chất, hình thành tế bào hồng cầu và duy trì hệ thống thần kinh trung ương.
– Có trường hợp mắc bệnh thiếu máu ác tính không thể hấp thụ vitamin B12 từ đường ruột. Những người ăn chay trường cung có thể hơi thiếu vitamin B12. Nếu để cơ thể thiếu vitamin B12 lâu dài có thể gây ra bệnh hiếu máu, tê ngứa chân tay, suy nhược thần kinh và rối loạn tiền đình. Mỗi người cần bổ sung khoảng 6 microgam vitamin B12 mỗi ngày.
– Thiếu vitamin B12 gây suy thoái chất myelin, một chất béo và là thành phần quan trọng của tế bào thần kinh, gây ra những triệu chứng thần kinh.
– Vitamin B12 do vi khuẩn tổng hợp từ thiên nhiên, sau đó mới đi vào chu trình thức ăn của các động vật, chủ yếu từ các động vật ăn cỏ. Ðộng vật và thực vật không tự tổng hợp được vitamin B12.
– Vitamin B12 trong thức ăn đều ở dạng phức hợp với protein. Trong chế biến, vitamin B12 khá bền vững với nhiệt độ, trừ khi trong môi trường kiềm và nhiệt độ quá 1000C. Thịt luộc ở 1700C trong 45 phút mất 30% B12. Sữa nấu sôi 2-5 phút mất 30% B12. Khi có sự hiện diện của vitamin C, B12 trở nên ít bền vững với nhiệt độ hơn và có thể bị phá hủy những lượng đáng kể vì 0,5g vitamin C.
– Sự hấp thu vitamin B12 cần có yếu tố nội tại (một protein do tế bào thành của niêm mạc dạ dày tiết ra) và enzyme phân hủy protein của tụy. Vitamin B12 được hấp thu bởi đoạn cuối ruột non. Nhìn chung, vitamin B12 rất cần thiết cho quá trình nhân lên của tế bào. Thiếu vitamin B12 ảnh hưởng một cách đặc biệt đến tất cả các mô mà trong đó quá trình nhân đôi xảy ra nhanh chẳng hạn ở máu, niêm mạc ruột non, nội mạc tử cung.
Những người dễ bị thiếu vitamin B12 gồm:
- Những người ăn chay trường, hoàn toàn không ăn thịt cá, trứng, sữa trong nhiều năm. Hoặc những người dị ứng đạm động vật.
- Người có bệnh ở dạ dày, đặc biệt là bị viêm teo niêm mạc dạ dày.
- Người đã cắt bỏ một phần hay toàn bộ dạ dày.
- Người có bệnh ở ruột non, phần ruột bệnh bao gồm cả phần cuối ruột non như bệnh Celiac, bệnh Sprue, bệnh viêm ruột vùng, đã cắt đoạn ruột hoặc nối tắt ruột.
- Người uống viatmin C nhiều.
Biểu hiện thiếu vitamin B12:
- Thiếu vitamin B12 gây thiếu máu, các triệu chứng thần kinh và những triệu chứng khác. Thiếu máu do thiếu vitamin B12 là thiếu máu nguyên bào khổng lồ. Loại thiếu máu này có những đặc trưng về hình thể tế bào máu thấy trên xét nghiệm. Trên thực tế, hầu hết các trường hợp thiếu máu nguyên bào khổng lồ là do thiếu vitamin B12 hoặc acid folic. Người bệnh xanh xao, yếu, dễ mệt, ăn mất ngon, hồi hộp đánh trống ngực, đau đầu, khó thở, ngất xỉu.
- Thiếu vitamin B12 cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn đến chậm phát triển khả năng ngôn ngữ, rối loạn ngôn ngữ, tự kỷ, bại não và các vấn đề về thần kinh.
Các biểu hiện về thần kinh thể hiện đối xứng trên cơ thể và kéo dài nhiều tháng, gồm:
- Dị cảm, tức có những cảm giác tê rần, nhột nhạt như kiến bò.
- Giảm cảm nhận về cảm giác rung.
- Giảm cảm giác vị thế đưa đến chứng thất điều, đi đứng xiêu vẹo.
- Khả năng trí óc giảm sút. Thậm chí có thể hoang tưởng.
Những triệu chứng khác:
- Lở lưỡi, đau lưỡi.
- Táo bón.
- Hạ huyết áp thế đứng.
Lạm dụng, dư thừa vitamin B12:
- Lạm dụng vitamin B12. Nhiều người, thậm chí cả những người trong ngành y và dược thích chích B12 vì cho rằng đó là thuốc bổ máu, nhất là những khi thấy người mệt mỏi, da dẻ không được hồng hào. Có lẽ màu đỏ của thuốc cũng ảnh hưởng một phần, làm người ta tin tưởng ở tính chất “bổ máu” của nó. Tuy nhiên, như đã trình bày, hầu như tất cả các trường hợp này đều không thiếu vitamin B12. Cho đến nay, chắc chắn việc dùng vitamin B12 cho những người như vậy sẽ không đem lại bất kỳ lợi ích nào. Trái lại, chỉ tạo thêm nguy cơ bị phản ứng bất lợi do thuốc và tốn kém vì nhiều loại thuốc chứa vitamin B12 có giá khá cao.
- Lạm dụng vitamin C. Nhu cầu vitamin C hàng ngày chỉ vào khoảng 70mg. Cũng như những dưỡng chất khác, dùng dư thừa vitamin C không có lợi; mà như đã nói còn có thể gây hại vì làm tăng nguy cơ thiếu vitamin B12 nếu dùng lượng nhiều và kéo dài. Như vậy việc dùng thuốc, dẫu là thuốc bổ, tốt nhất đều phải theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Nguồn cung cấp vitamin B12: Vitamin B có nhiều trong trứng, thịt, thịt gia cầm, đồ biển, sữa và các sản phẩm từ sữa.
Y Dược 365 (TH)